Những hành trang cần thiết cho tân sinh viên khi bước vào ngưỡng cửa đại học

Bước chân vào giảng đường đại học là bước sang một ngưỡng cửa mới, một chặng đường đầy thú vị cũng như biết bao thử thách đang chờ phía trước. Để cuộc sống đại học không trải qua một cách vô vị và vô ích, các tân sinh viên nên chú ý chuẩn bị hành trang sẵn sàng từ ngay bây giờ, kể cả phương pháp học hiệu quả và rèn luyện kĩ năng sống.

1. Xác định mục tiêu học tập và công việc

Bước vào Đại học, các bạn sẽ là người giữ thế chủ động trong mọi sinh hoạt, học tập của chính mình. Vì vậy, việc xác định mục tiêu học tập và công việc là bước khỏi đầu quan trọng để bắt nhịp với những thay đổi.
Trước tiên, hãy xác định cho mình một mục tiêu tổng quát về việc học tập tại trường. Với sinh viên năm nhất còn nhiều bỡ ngỡ, các bạn có thể tham vấn từ thầy cô và các anh chị đi trước để hiểu rõ hơn về môi trường đại học - cao đẳng con đường mà mình đã chọn cũng như tương lai của việc học. Từ đó xây dựng những mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ phải hoàn thành. Mục tiêu càng được cụ thể hóa thì tính hiệu quả càng cao. Ví dụ như: năm thứ nhất sẽ nâng cao ngoại ngữ chính và học thêm một ngoại ngữ mới, năm thứ hai sẽ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, năm thứ ba sẽ lấy chứng chỉ C ngoại ngữ, tốt nghiệp loại giỏi với điểm trung bình tích luỹ 8.0,…


 

Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tìm hiểu về những tiêu chuẩn để phấn đấu, như tiêu chuẩn “Sinh viên 5 tốt” (Đạo đức tốt, Học tập tốt, Thể lực tốt, Tình nguyện tốt, Hội nhập tốt).

2. Trang bị, rèn luyện kỹ năng


Ngay từ những ngày đầu là tân sinh viên còn nhiều thời gian rảnh rỗi, các bạn nên tham gia nhiều lớp học về kỹ năng thực hành xã hội và bắt đầu rèn luyện từng ngày. Các kỹ năng bạn nên trang bị thêm là: làm việc nhóm, giao tiếp, sắp xếp thời gian, chi tiêu, tư duy sáng tạo, tư duy tích cực, hoạch định mục tiêu cuộc đời, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế…

3. Học ngoại ngữ
Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời cũng là lợi thế cho các bạn trong học tập và công việc tương lai.


Ngoài các lớp ngoại ngữ tại trường, sinh viên có thể thu xếp tham gia CLB ngoại ngữ tại Nhà văn hóa Thanh niên hay các cơ sở hợp pháp khác nhằm tăng cường khả năng ngoại ngữ và mở rộng quan hệ xã hội của bản thân.

4. Tìm hiểu và tiến hành một đề tài nghiên cứu khoa học mà mình tâm đắc

Kiến thức tổng quan và chuyên ngành; kỹ năng làm việc nhóm, thu thập tư liệu, trình bày báo cáo một cách khoa học, thuyết trình… sẽ là những điều mà bạn tích lũy được khi tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng cao sẽ được đề cử tham gia các giải thưởng cao hơn từ cấp Đại học Quốc gia, cấp Thành phố đến cấp Bộ Giáo dục – Đào tạo, cấp Nhà nước.
5. Đọc nhiều sách báo
Việc thu nhận các kiến thức trên giảng đường là quan trọng nhưng chưa đủ. Sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nên đọc nhiều sách để tự tích lũy kiến thức, phát triển tư duy lý luận và rèn luyện khả năng ngôn ngữ.



Việc đọc sách, báo hàng ngày để nắm tình hình trong và ngoài nước sẽ giúp bạn có thêm kiến thức thực tiễn, đồng thời giúp bạn không bị lạc hậu về thông tin. Từ đó, các bạn có thể trao đổi những điều hay và thú vị với bạn bè, áp dụng những điều hay đó vào việc học tập và sinh hoạt của chính mình. Thư viện Trường sẽ cung cấp nhiều thể loại sách, báo được cập nhật để bạn tự do khai thác thông tin. Ngoài ra, Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia và Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cũng là những thư viện rất tốt với không gian yên tĩnh, đa dạng các thể loại sách, tài liệu nghiên cứu và thiết bị tra cứu điện tử.
Hiện nay, sách báo điện tử cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên. Bạn có thể tiết kiệm tiền, thời gian mà vẫn có thể đọc nhiều tài liệu, thông tin trên mạng một cách nhanh chóng, tiện lợi. Bên cạnh đó, quá trình đọc trên mạng còn giúp bạn nâng cao khả năng tìm kiếm thông tin và sử dụng thành thạo máy vi tính.

6. Rèn luyện tác phong hiện đại, kỷ luật

Sinh viên luôn là lực lượng tiên phong trong các phong trào thanh niên, các hoạt động văn hóa – xã hội. Vì vậy việc rèn luyện, giữ gìn hình ảnh sinh viên với tác phong hiện đại, kỷ luật là yếu tố được chú trọng.
Để làm được điều đó, các bạn cần tự ý thức được những nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt hằng ngày như giao tiếp lịch thiệp với mọi người, trang phục lịch sự khi đến trường, thực hiện văn hóa xếp hàng, giữ vệ sinh chung, tiết kiệm điện – nước…; tuân thủ nghiêm túc kỉ luật, các nội quy, quy định.

7. Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động tình nguyện ( Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi).

Là sinh viên, bạn có rất nhiều cơ hội để tham gia các chương trình ngoại khóa hoặc hoạt động tình nguyện như Hiến máu tình nguyện, Xuân tình nguyện, Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh … do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đơn vị khác tổ chức. Bạn cũng có thể đăng ký làm tình nguyện viên cho các chương trình, dự án, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Việc tham gia các hoạt động này không chỉ giúp bạn rèn luyện khả năng làm việc độc lập, tích lũy kinh nghiệm sống, thực hành các kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng sống mà còn giúp bạn mở rộng mối quan hệ xã hội.
Đặc biệt, đây là điều kiện cho bạn nhận thức đầy đủ về vai trò xã hội của người trí thức trẻ trong thời đại mới và phát huy năng lực tổ chức sự kiện trong các lĩnh vực thể thao, giải trí, tình nguyện…
8. Biết cách giải trí và giải trí lành mạnh
Những mục tiêu về học tập, công việc đôi khi trở thành áp lực cho các bạn. Việc tạo cho mình những thói quen thư giãn và giải trí điều độ chính là điều mà mỗi sinh viên cần lưu ý. Tham gia các hoạt động xã hội, tập thể dục hàng ngày, giao lưu với bạn bè, đi du lịch, thưởng thức nghệ thuật … là những hoạt động bình thường, quen thuộc với mỗi sinh viên. Nếu bạn biết sắp xếp thời gian biểu hợp lý, điều hòa giữa việc học và giải trí sẽ giảm thiểu được những căng thẳng trong cuộc sống. Đặc biệt, bạn cần ý thức được hình thức giải trí lành mạnh, phù hợp, không để tiêu tốn thời gian vào bài bạc, bia rượu, game online và các tệ nạn xã hội khác. Nhà trường, các khoa/bộ môn, Đoàn thanh niên – Hội Sinh viên trường cũng thường xuyên tổ chức và tạo điều kiện cho các bạn tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các chương trình giải trí dành cho sinh viên.
9. Chủ động “săn” học bổng và các cơ hội hỗ trợ học tập

Có rất nhiều nguồn hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các cá nhân, đơn vị cho các bạn sinh viên với các học bổng khuyến khích học tập, học bổng cho sinh viên giỏi, học bổng cho sinh viên khó khăn, học bổng cho sinh viên khuyết tật, học bổng du học nước ngoài… Bạn hãy tích cực theo dõi những thông tin này trên bản tin, thông báo của Phòng Công tác sinh viên . Đặc biệt, sinh viên nên thường xuyên truy cập website các trường đại học và trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước để chủ động nắm bắt thông tin về các học bổng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định về loại học bổng phù hợp với bản thân, từ đó tìm hiểu các quy định, các loại giấy tờ cần có trong hồ sơ học bổng. Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho mình một bộ hồ sơ hoàn chỉnh để đăng ký học bổng khi có cơ hội.
10. Làm thêm hợp lý
Nếu bạn muốn làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, trang trải cuộc sống thì nên có sự lựa chọn hợp lý.


Tuy nhiên, trước khi bắt đầu đi làm thêm, bạn hãy biết tự đánh giá năng lực của mình để chọn một công việc phù hợp, cũng như biết sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và việc đi làm. Bạn nên xác định làm thêm để có kinh nghiệm thực tế, sau đó mới tính tới trang trải cuộc sống; không nên vì quá mê kiếm tiền mà bỏ quên mục đích chính là học tập.

Chúc các bạn thành công trên hành trình tìm kiếm tri thức nhé! 

Nguồn: news.zing.vn