Nét đặc sắc của hình tượng thỏ và mèo trong văn hóa Hàn – Việt

Năm 2023 đánh dấu bằng hình tượng linh thú đại diện đặc trưng là con thỏ (ở Hàn Quốc) và con mèo (ở Việt Nam) – chúng được xem như những loài vật tuy sở hữu kích thước không quá to lớn nhưng lại khá thông minh, mưu trí, nhanh nhẹn, đồng thời biểu thị cho sự sung túc, thịnh vượng theo quan điểm riêng ở mỗi quốc gia.

Thỏ - Mèo trong văn học, nghệ thuật

1. Tại Hàn Quốc:
- Người dân xứ sở Kim Chi rất thích thỏ nên họ thường khen ngợi hình tượng chúng bằng cách viết nên những ca từ thơ mộng trong các bài hát dân gian. Ví dụ:

“Nơi bầu trời xanh ngắt ngự trên dãy ngân hà
Một chiếc thuyền bán nguyệt trắng muốt lướt qua
Với hình ảnh chú thỏ kề cạnh bên cây quế”.

                                                                                (Trích từ bài tiếng Anh của báo The Korea Herald)

- Thỏ còn gắn liền với ngày Tết Trung thu (Chuseok) thông qua câu chuyện về sự hi sinh đầy cảm động dành cho một người ăn xin (thực chất là Ngọc Hoàng hóa thân); nhận thấy tấm chân tình của thỏ, Ngọc Hoàng đã đưa nó lên Mặt trăng, đồng thời biến nó thành người bảo vệ tại đây. Kể từ lúc ấy, truyền thuyết thỏ mặt trăng - tên khác là Nguyệt Thố hay Thỏ Ngọc (tiếng Hàn: 달토끼) ra đời và được người Hàn lưu truyền tới tận ngày nay như cách họ răn dạy con cháu về lòng dũng cảm, sự trung thành, tinh thần mẫu mực đáng quý.

Hình tượng của thỏ thường gắn liền với dịp lễ Chuseok, nó được xem như một người bảo vệ Mặt trăng; đồng thời thông qua truyền thuyết về Nguyệt Thố, người Hàn mong muốn răn dạy con cháu điều tốt đẹp liên quan đến tinh thần mẫu mực đáng trân trọng. (Ảnh: iclickart)

(Ảnh: iclickart)

- Thỏ được xem là loài động vật đa mưu túc trí, khôn ngoan, luôn tìm cách vượt qua tình huống khó khăn nhờ trí thông minh. Tiêu biểu ta có thể nhắc tới câu chuyện sống sót đầy thử thách giữa thỏ và 2 loài động vật to lớn, mạnh mẽ khác là voi và cá voi. Ở câu chuyện này, thỏ đã bí mật trói chúng vào một sợi dây rồi kêu gọi chúng tranh tài xem ai khỏe hơn. Tuy nhiên, cả voi lẫn cá voi đều lầm tưởng bản thân chúng đang bị buộc vào thỏ, thế nên chúng ra sức kéo dây thật mạnh cuối cùng sợi dây đứt vì quá căng làm chúng bị ngã lộn nhào.

Hay ở một câu chuyện dân gian sử thi nổi tiếng khác thời Tam quốc kể về việc Nam Hải Long Vương bị ốm cần gấp gan thỏ để chữa bệnh. Long Vương sai rùa lên bờ bắt thỏ xuống nhằm lấy lá gan của chú ta. Nhưng, nhờ trí tuệ nhanh nhạy, thỏ đã lừa Long Vương và rùa rằng mình quên mất lá gan ở nhà, đồng thời nhanh chân bỏ trốn khi được rùa chở lại vào bờ biển. Qua 2 câu chuyện vừa nêu, người Hàn thực sự rất khéo léo trong cách lồng ghép nét châm biếm đầy ý vị, đi kèm việc đề cao trí thông minh, lanh lợi, cùng lòng dũng cảm có thể giúp con người chống chọi lại những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất như thế nào dựa trên hình tượng chú thỏ bé nhỏ.

Thỏ là loài động vật đẻ nhiều con, do vậy chúng đại diện cho sự sinh sôi, nảy nở và những khởi đầu thuận lợi trong năm mới. (Ảnh: Unsplash)

(Ảnh: Unsplash)

- Ngoài ra, thỏ còn tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở vì chúng là loài đẻ nhiều con. Hình tượng một cặp thỏ hạnh phúc cạnh nhau trong những bức tranh dân gian khởi nguồn ở thời Vương triều Joseon với hậu cảnh cây nguyệt quế hoặc Mặt trăng biểu thị mối quan hệ hòa hợp, thuận lợi, thân thiết ngoài thực tế giữa người và người đã trở thành nét đặc sắc được xứ Hàn ca ngợi từ lâu.

2. Tại Việt Nam:

Tương tự như thỏ, loài mèo được hình tượng hóa vào thơ ca khá tinh tế nhằm biểu thị tâm tư, tình cảm của người viết, đồng thời còn nêu bật cả đức tính khôn khéo, thông minh mà chúng có qua mỗi lời văn, câu chữ. (Ảnh: Freepik)

(Ảnh: Freepik)

- Tương tự như loài thỏ tại Hàn Quốc, hình tượng loài mèo trong thơ ca, văn học Việt Nam cũng tinh tế khi lồng ghép chúng vào từng câu chữ thâm thúy để thể hiện tâm tư, tình cảm của người viết, đồng thời nêu bật đức tính khôn ngoan, khéo léo vốn có của những chú mèo. Ví dụ:

“Lọ vằn sinh lạ mãi phương Tây
Phụng sự Như Lai trộm phép thầy
Hơn chó được ngồi khi mặt bếp
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây”.
                                                                          (Trích từ bài thơ “Miêu” của danh sĩ Nguyễn Trãi)

Ở bài thơ này, chúng ta thấy ngoài mô tả vẻ đẹp, tập tính của mèo, thì đặc biệt câu thơ “Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây” khiến người đọc nhìn nhận rõ rệt về sự mưu lược khi loài mèo tuy dạy hết ngón nghề cho hổ nhưng riêng việc leo cây chúng vẫn giữ làm tài lẻ riêng của mình để hổ không thể trở mặt tấn công. Điều đó rất giống cách thỏ trốn thoát khỏi Nam Hải Long Vương trong câu chuyện đã đề cập bên trên.

- Hình tượng loài mèo còn châm biếm những thói hư tật xấu, người Việt Nam thường răn dạy con cháu bằng cách dùng mèo theo nghĩa ẩn dụ để giáo dục các thế hệ sau này hiểu rõ hơn về giá trị cũng như nêu lên nhiều bài học cuộc sống đầy ý nghĩa. Ví dụ:

“Meo meo meo rửa mặt như mèo
Xấu xấu lắm chẳng được mẹ yêu
Khăn mặt đâu mà ngồi liếm mép
Đau mắt rồi lại khóc meo meo”.

                                                                                                             (Trích lời bài hát “Rửa mặt như mèo” của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích)

Bức tranh dân gian Đông Hồ mang tên “Đám cưới chuột” với hình tượng mèo đại diện cho tầng lớp cai trị nhưng không hề hung tợn, đi kèm đó nó còn chứa đựng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc thể hiện thái độ sống ôn hòa đầy thi vị của người Việt Nam. (Ảnh: Wikimedia Commons)

(Ảnh: Wikimedia Commons)

- Ngoài ra, tương tự như thỏ, mèo cũng được hình tượng hóa vào nghệ thuật rất tinh tế. Tiêu biểu nhất có lẽ là bức tranh dân gian Đông Hồ tựa đề “Đám cưới chuột” với nhân vật mèo đại diện cho tầng lớp “cường hào, ác bá”, đi kèm đấy là ý nghĩa nhân sinh sâu sắc nhưng vẫn thể hiện thái độ sống ôn hòa, tình cảm khá thi vị của người Việt.

Thỏ - Mèo trong đời sống tâm linh và thực tế

1. Tại Hàn Quốc:

- Dựa trên phong thủy, tuy người Hàn rất thích thỏ nhưng bởi chúng có sự liên kết với Mặt trăng nên về mặt Âm – Dương, chúng lại tượng trưng cho năng lượng Âm; vì thế sẽ không hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Từ xa xưa, vào ngày Sangmyoil (tiếng Anh: High Rabbit Day, tiếng Hàn: 상묘일, tạm dịch: ngày Thượng Thố), người Hàn sẽ tránh sử dụng bát, đĩa gỗ hoặc mời khách tới nhà chơi; thậm chí, phụ nữ còn bị cấm ra khỏi nhà trong ngày này để phòng ngừa điềm xui rủi.
 

Người Hàn cho rằng những ai sinh vào năm thỏ thường có tính cách tốt bụng, đa cảm, ôn hòa, hóm hỉnh, tài trí, tuy đôi lúc hơi thụ động, yếu đuối. (Ảnh: Pixabay)

(Ảnh: Pixabay)


- Ở Hàn Quốc, người ta cho rằng những ai sinh năm thỏ được xem là người sở hữu tính cách hiền lành, từ bi, đa cảm, đôi lúc sẽ hơi thụ động, yếu đuối nhưng nhìn chung họ khá ôn hòa (bởi thế rất hiếm khi gặp rắc rối), nhanh nhạy, hóm hỉnh, tài trí. Vì vậy, khác biệt so với năm hổ, năm thỏ luôn khiến người Hàn mong đợi sẽ nhận về nhiều điều tốt đẹp, sung túc, bội thu hơn.

- Ngoài ra, lông thỏ sở hữu đặc tính mềm mại, mịn màng nên được người Hàn dùng vào thời trang tạo nên những chiếc áo vừa đẹp, vừa ấm, lại có độ xù tự nhiên. Bên cạnh đó, ứng dụng chat nổi tiếng Kakaotalk cũng ra đời sticker linh vật Muzi (nhân vật củ cải muối trong bộ đồ thỏ) với biểu cảm hài hước, đáng yêu giúp thể hiện cảm xúc cho người dùng khi trao đổi qua tin nhắn. Thậm chí, thỏ còn được minh họa khá xinh xắn trên bao bì dòng kem Chaltteok ngọt ngào (kem bánh gạo hay mochi kem) của thương hiệu LOTTE nhằm tạo thêm sức thu hút, hấp dẫn.

2. Tại Việt Nam:

- Xét về mặt phong thủy, loài mèo là một động vật hiền lành, mang đến sự thịnh vượng, như ý, may mắn, tăng vận đào hoa. Vì thế, gia chủ muốn mọi việc tiến triển một cách hanh thông, thuận lợi thì nên chọn tượng mèo (bằng gỗ hoặc đá để phát huy hết linh khí) trang trí trong nhà (cần đặt ở hướng đông hoặc đông nam, tránh hướng tây).

- Người Việt Nam quan niệm những ai sinh năm mèo đều có được một số đức tính tuyệt vời từ linh vật này như: tốt bụng, nhẫn nại, kiên trì, khôn ngoan, gọn gàng, nhanh nhẹn, biết suy trước tính sau khi bắt đầu thực hiện một việc nào đấy; tuy nhiên, nhược điểm người tuổi mèo là đôi lúc họ cũng khá rụt rè, hoặc thường nhận phần thua thiệt trong chuyện tình cảm.
 

Mèo là loài vật được người Việt Nam xem như thú cưng thân thiện, ngoài ra chúng còn giúp gia chủ đánh đuổi bọn chuột phá hoại một cách hiệu quả. (Ảnh: Unsplash)

(Ảnh: Unsplash)


- Bên cạnh đó, người Việt rất thích nuôi mèo bởi chúng vừa là thú cưng thân thiện, vừa có thể giúp gia chủ “đánh bay” bọn chuột phá hoại. Ngoài ra, mô hình các quán cà phê mèo ở Việt Nam cũng đang ngày càng thịnh hành, thu hút giới trẻ yêu động vật nói chung tìm đến giải tỏa căng thẳng cực kì hiệu quả.

Dù linh vật đại diện theo cung hoàng đạo khác nhau nhưng cả thỏ và mèo đều thể hiện rõ rệt ý nghĩa đặc sắc riêng biệt ở cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam. Việc hình tượng hóa thỏ - mèo đã giúp 2 quốc gia nêu bật được những giá trị tốt đẹp, tinh túy truyền thống, đồng thời đưa ra nhiều bài học đáng trân trọng nhằm giáo dục con cháu phát huy các đức tính tuyệt vời, đáng quý.

Nguồn: https://vietnamese.korea.net/NewsFocus/HonoraryReporters/view?articleId=227811