Để thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng nhất, người Hàn Quốc sẽ cúi đầu một góc 90 độ khi chào hỏi.
Theo Suzy, hiện sống ở Seoul, một người bạn nước ngoài của cô cho rằng nguyên tắc khó phá vỡ nhất của người Hàn Quốc chính là cúi đầu. Suzy đồng ý với nhận định của anh bạn từng sống ở xứ sở kim chi nhiều năm: "Tất nhiên. Tại Hàn Quốc, cúi đầu chính là cách nói lời chào và tạm biệt, làm sao chúng ta có thể sống mà không có phép tắc này?".
Cúi đầu là hành động thể hiện sự tôn trọng và lịch sự trong giao tiếp của người Hàn Quốc. Điều này cũng tồn tại trong văn hóa Nhật Bản. Ảnh: Opodo.
Theo Christy Yoo, người đứng đầu Marie Story - chương trình dạy truyền thống văn hóa Hàn Quốc bằng tiếng Anh, "như luật bất thành văn trong cuộc sống thường nhật, bạn phải cúi đầu khi có người cúi chào bạn".
Cô nhận định nguyên tắc cúi đầu có gốc rễ sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc, từ thời kỳ Tam Quốc (57 TCN - 668). Dù sau này Phật giáo và Thiên chúa giáo ảnh hưởng tới lối hành xử của người Hàn Quốc, Nho giáo vẫn tác động sâu sắc đến phép tắc lịch sự.
Nho giáo là hệ thống đạo đức và hành vi nhấn mạnh đến đối nhân xử thế giữa người với người, đề cao nghĩa vụ, lòng trung thành, chính trực, lòng hiếu thảo, tôn trọng người lớn tuổi và tiền bối.
Tôn trọng theo tuổi tác và thâm niên tới nay vẫn là một giá trị quan trọng trong văn hóa Hàn Quốc. Hành động cúi đầu thấp đến đâu còn phụ thuộc vào mức độ lịch sự, địa vị xã hội, và thâm niên hoặc tuổi tác.
Để thể hiện thái độ lịch sự và tôn trọng nhất, người Hàn Quốc cúi đầu một góc 90 độ. Thông thường, phần lớn người dân xứ sở kim chi sẽ nghiêng mình theo góc 45 hoặc 15 độ.
Khi cúi chào, người nhỏ tuổi hoặc người có cấp bậc khiêm tốn hơn phải cúi đầu thấp hơn người ở vai vế cao hơn. Tuy nhiên, ai lớn tuổi hoặc địa vị cao hơn sẽ là người cúi chào trước.
Thành viên ban nhạc BTS cúi đầu một góc 90 độ chào khán giả khi kết thúc một buổi biểu diễn. Ảnh: Pinterest.
Người Hàn Quốc cũng có nhiều kiểu cúi đầu trong trong những trường hợp khác nhau, cả khi tỏ lòng cảm ơn hay xin lỗi. Người xin lỗi thường nghiêng mình 45 độ với đầu cúi thấp, đứng yên trong 3 giây. Trong trường hợp tệ hơn và cần thể hiện lòng chân thành, người xin lỗi cần cúi đầu thấp nhất có thể.
Quy tắc này cũng áp dụng khi cúi đầu để cảm ơn. Đôi khi một người có thể quỳ gập gối và cúi đầu chạm trán xuống sàn. Khung cảnh này thường xuất hiện trong đám cưới, khi chú rể quỳ và cúi đầu cảm ơn cha mẹ vợ. Vào dịp Tết Âm lịch Seollal và Tết Trung thu Chseok, con cái và cháu chắt trong nhà cũng quỳ lạy bậc cao niên và tổ tiên.
Người Hàn Quốc hiếm khi im lặng trong lúc cúi đầu để chào hỏi hàng ngày, mà thường nói annyeonghaseyo hoặc annyeonghashimnika để chào, và gamsahamnida khi cảm ơn. Họ để tay áp sát người, không chắp tay trước ngực, mặt cúi xuống và cấm kỵ vừa cúi đầu vừa ngước mắt nhìn người đối diện.
Thực tế người Hàn Quốc vẫn bắt tay khi gặp gỡ đồng nghiệp hay đối tác. Tuy nhiên, họ cúi đầu khi bắt tay. Người trẻ tuổi hoặc bậc dưới phải cúi đầu trước và đợi tiền bối chìa tay ra, họ dùng hai tay để đáp lại. Phụ nữ thường không chủ động bắt tay nam giới.
Người Hàn Quốc không siết chặt khi bắt tay, người trẻ tuổi hoặc cấp dưới phải dùng hai tay khi bắt tay bậc tiền bối. Ảnh: Medium.
Yoo cho rằng khách nước ngoài không cần quá lo lắng về những phép tắc lịch sự của xứ sở kim chi: "Người Hàn Quốc sẽ bỏ qua nếu du khách vô tình phá vỡ nguyên tắc. Hàn Quốc đã hội nhập trong hơn hai thập kỷ qua, người dân nhìn chung quen thuộc với văn hóa phương Tây và không kỳ vọng khách nước ngoài hiểu hết phép tắc giao tiếp truyền thống".
Nguồn: Việc làm tiếng Hàn