Người dân Hàn Quốc từ lâu đã phát triển nền văn hóa đa dạng, độc đáo dựa trên cảm nhận nghệ thuật ưu việt. Điều kiện địa lý đặc thù của bán đảo mang đến cho người Hàn Quốc cơ hội tiếp nhận cả văn hóa lục địa, văn hóa biển và dễ dàng thích nghi với điều kiện tự nhiên, nhờ đó hình thành nên nền văn hóa độc đáo và mang tính đồng cảm cao.
[Khu di tích lịch sử Gyeongju]
Gyeongju đã là thủ đô của triều đại Silla trong khoảng một thiên niên kỷ. Thành phố vẫn còn chứa rất nhiều di tích khảo cổ từ vương quốc, và do đó thường được mệnh danh là “bảo tàng không có tường hoặc mái”. Ảnh trên chụp cảnh những ngôi mộ của triều đại Silla nằm trong thành phố.
Văn hóa Hàn Quốc rất sống động, bao gồm âm nhạc, nghệ thuật, văn học, khiêu vũ, là sự kết hợp thú vị giữa truyền thống và hiện đại. Phương thức sinh hoạt đa dạng bao gồm kiến trúc, trang phục, ẩm thực cũng giống như vậy, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Ngày nay, văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trên thế giới. Trong khi những người trẻ chuyên ngành âm nhạc cổ điển đang dẫn đầu trên nhiều sân khấu thi đấu quốc tế, các tác phẩm văn học cũng được dịch ra các thứ tiếng và thu hút nhiều độc giả nước ngoài. Tranh đơn sắc của họa sĩ Hàn Quốc gần đây cũng bất ngờ trở thành loại hình tác phẩm nhận được sự chú ý rất lớn trên thế giới.
Nhạc K-Pop của Hàn Quốc đã thu hút một lượng rất lớn người hâm mộ trên toàn thế giới không chỉ ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á mà còn ở cả Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu nhờ sự thành công vang dội của bài hát "Gangnam Style" của ca sỹ Psy. Vào tháng 5 năm 2018, album của nhóm nhạc K-Pop BTS (album "Love Yourself: Tear") đã làm nên lịch sử khi đứng đầu bảng xếp hạng (BXH) album Billboard 200 của Mỹ. Ca khúc chính của album (Fake Love), đã giành vị trí thứ 10 trên BXH đĩa đơn Hot 100.
Sự thành công này là kết quả của nghệ thuật xuất sắc và tinh tế của văn hóa truyền thống được xây dựng dựa trên sự phát huy các phẩm chất kiên trì, bền bỉ, kết hợp với cảm nhận nghệ thuật tinh tế được hoàn thiện qua lịch sử lâu đời của người Hàn Quốc. Khả năng sáng tạo nghệ thuật tinh tế của người Hàn Quốc được bắt đầu từ các bức họa trên tường mộ và di vật thời Tam quốc, rồi trở nên phong phú hơn qua từng giai đoạn lịch sử như Triều đại Silla thống nhất (676 - 935), Goryeo (918 - 1392), thời đại Joseon (1392 - 1910) và được truyền lại một cách liên tục cho các thế hệ nghệ sĩ cũng như mọi người dân Hàn Quốc trong xã hội hiện đại ngày nay.
Hàn Quốc bảo tồn được rất nhiều di sản văn hóa và một phần trong số đó được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là các di sản thế giới từ năm 1990. Tính đến năm 2019, tổng cộng có 49 di sản được đăng ký vào di sản thế giới, di sản tư liệu thế giới, di sản văn hóa phi vật thể.
Cung Changdeokgung
Cung Changdeokgung ở phường Waryong-dong, quận Jongno-gu, Seoul là một trong những cung điện hoàng gia còn lưu giữ những kết cấu cung điện nguyên bản của Triều đại Joseon (1392 - 1910). Cung Changdeokgung được xây dựng vào năm 1405 để làm hậu cung nhưng về sau khi chính cung Gyeongbokgung bị phá hủy năm 1592 khi Nhật Bản xâm lược Hàn Quốc, cung này đã được dùng làm chính cung của Triều đại Joseon Cung Changdeokgung tiếp tục vai trò là chính cung cho tới năm 1867, khi cung Gyeongbokgung được sửa chữa và phục hồi lại tình trạng xưa. Cung Changdeokgung được công nhận là di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào năm 1997.
Chính điện Injeongjeon trong cung điện Changdeokgung. Chính điện được sử dụng cho những sự kiện quốc gia quan trọng như lễ đăng quang của các vị vua, yết kiến vua chúa và đón tiếp chính thức các công sứ nước ngoài.
Mặc dù được xây dựng trong triều đại Joseon, nhưng cung Changdeokgung vẫn cho thấy dấu vết ảnh hưởng của kiến trúc truyền thống Goryeo và vị trí của cung ở dưới chân một ngọn núi theo địa lý tự nhiên của khu vực. Mặc dù các cung điện thường được xây dựng để thể hiện phẩm giá và uy quyền, cung điện Changdeokgung được thiết kế và bài trí hòa hợp với đặc điểm địa lý tự nhiên, dựa theo hình dạng chân núi Eungbong, một nhánh của núi Bugaksan. Các tòa cung điện xưa được bảo tồn không hư hại, kể cả cổng Donhwamun, cổng chính của cung; điện Injeongjeon, điện Seonjeongjeon. Đây là khu di tích lịch sử rất nổi bật và xuất chúng với khu vườn mang đặc trưng của những khu vườn truyền thống Hàn Quốc. Trong cung còn có khu nhà Nakseonjae, là quần thể nhà hanok truyền thống vẫn giữ nguyên vẻ đẹp trang nhã.
Điện thờ Jongmyo
Jongmyo tọa lạc ở phường Hunjeong-dong, quận Jongno-gu, Seoul là điện thờ tổ tiên hoàng gia của Triều đại Joseon (1392 - 1910). Điện được xây để cất giữ 83 bài vị của các vị vua Joseon, hoàng hậu, hoàng thân và những người đã được ban tước vị hoàng tộc. Triều đại Joseon lấy Khổng giáo làm hệ tư tưởng căn bản, rất coi trọng nơi thờ cúng tổ tiên, đồng thời, điện thờ Jongmyo cũng cho thấy việc quan niệm Khổng giáo được thực hiện như thế nào trên phạm vi quốc gia.
Điện thờ Jongmyo. Điện thờ Khổng giáo của Triều đại Joseon, nơi đặt bài vị của các vị vua và hoàng hậu thời đại Joseon.
Nhìn chung, Jongmyo có cấu trúc đối xứng. Trong đó, hai tòa nhà lưu giữ bài vị là Jeongjeon (chính điện) và điện Yeongnyeongjeon có sự khác biệt trong chiều cao của ngai, chiều cao đến mái dua và đỉnh mái, bề dày của cột được phân chia theo cấp bậc và địa vị trong triều. Hình dạng nguyên mẫu đã được bảo tồn từ thế kỷ 16 và có giá trị như một không gian nghi lễ với phong cách kiến trúc độc đáo. Các nghi thức tưởng niệm, thờ cúng tổ tiên trong hoàng gia Joseon được định kì tiến hành tại đây.
Pháo đài Hwaseong ở Suwon
Pháo đài Hwaseong ở quận Jangan-gu, thành phố Suwon-si, tỉnh Gyeonggido là một pháo đài lớn (chiều dài 5,7km) được xây dựng từ năm 1796 dưới thời vua Jeongjo của Triều đại Joseon. Việc xây dựng pháo đài được bắt đầu sau khi nhà vua di dời mộ của phụ hoàng mình là thái tử Sado từ Yangju ở tỉnh Gyeonggi-do về vị trí hiện tại gần pháo đài. Công trình được thiết kế phù hợp với chức năng và mục đích sử dụng của một pháo đài. Khác với các pháo đài khác, Hwaseong với cấu trúc hợp lý, không chỉ có chức năng phòng thủ mà còn thực hiện chức năng là cầu nối thương mại nên nơi này là một di sản văn hóa được đánh giá cao. Học giả Jeong Yak-yong, một đại học giả trong thời hậu Joseon của Hàn Quốc vào thế kỷ XVIII là người phụ trách xây dựng pháo đài. Ông đã sử dụng nguyên lý của các công cụ như máy nâng ròng rọc (sử dụng ròng rọc động để nâng đá ở nơi thấp) và nongno (sử dụng ròng rọc cố định để nâng đá lên chỗ cao như cần cẩu) để xây dựng pháo đài.
Pháo đài Hwaseong và Chùa Bulguksa
Động Seokguram là một ngôi chùa hang tiêu biểu của Phật giáo trong Triều đại Silla thống nhất được xây vào năm 774, nằm trong hang động nhân tạo trên núi Tohamsan, thành phố Gyeongju-si, tỉnh Gyeongsangbuk-do. Cửa động quay mặt ra phía Đông và được thiết kế rất khéo léo để tượng Phật luôn đón nhận được những tia sáng mặt trời đầu tiên mọc từ biển Đông hướng vào trán ngài.
Được hoàn thành vào cùng thời điểm với động Seokguram, chùa Bulguksa là tổ hợp nhiều công trình kiến trúc lớn, bao gồm hai tháp đá là tháp Seokgatap và tháp Dabotap dựng ở trước sân trong của điện thờ Daeungjeon. Hai tháp này được xem là đại diện cho kiến trúc thời Silla. Tháp Seokgatap đẹp vì cấu trúc đơn giản, trong khi tháp Dabotap lại được ngưỡng mộ vì các chi tiết chạm khắc công phu, tinh xảo.
Động Seokguram. Mặt bên của pho tượng Phật ngồi trên đài hoa sen trong hang
Tháp Dabotap được xây dựng bằng các khối đá granit khắc chạm công phu và là một trong những tháp đá đặc biệt của Hàn Quốc. Hình ảnh của tháp còn được in trên mặt của đồng xu 10 won của Hàn Quốc. Trái lại, tháp Seokgatap nổi tiếng vì kiến trúc đơn giản nhưng vẫn thể hiện được vẻ đẹp hoàn mĩ nhờ vào tỷ lệ đối xứng và cân bằng của tháp. Tháp hiện được xem là nguyên mẫu của tất cả các tháp đá ba tầng được xây ở Hàn Quốc sau này.
Hai cây cây cầu Cheongunggyo (Cầu mây xanh) và Baegungyo (Cầu mây trắng) dẫn đến điện Daeungjeon của chùa Bulguksa không chỉ đẹp mà còn là biểu tượng mang tính tôn giáo, tượng trưng cho hành trình vượt qua nước và mây để đến được miền cực lạc.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://vietnamese.korea.net/AboutKorea/Culture-and-the-Arts